Thời cơ thu hút nhà đầu tư lớn từ châu Âu

Nhiều nhà đầu tư châu Âu, trong đó có Italia, đang chọn Việt Nam là đích đến của luồng vốn đầu tư. Để phát huy lợi thế này, môi trường kinh doanh cần phải tiếp tục cải thiện, bản thân mỗi doanh nghiệp Việt cũng phải thay đổi, liên kết với nhau để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

>>>Xem thêm  DỊCH VỤ THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<< 

Sự kiện hơn 300 doanh nghiệp (DN) đến từ Italia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao Italia – ASEAN lần thứ 3 diễn ra ngày 6/6 đã cho thấy thời cơ thu hút các nhà đầu tư lớn, có trình độ công nghệ cao đã tới. Hội nghị thượng đỉnh lần này được chủ trì bởi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Italia Giuseppe Conte.

Nhà đầu tư vượt nửa vòng trái đất

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các DN Italia đã vượt nửa vòng trái đến Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn niềm tin và sự lựa chọn của các nhà đầu tư đối với Việt Nam và Thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Diễn đàn này là một sự kiện đặc biệt, về phía Việt Nam lần đầu tiên có sự tham dự của cả Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, điều này thể hiện sự ủng hộ, đánh giá rất cao của Việt Nam đối với sự hợp tác của Chính phủ Italia, của các DN Italia, ASEAN với Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn các DN Italia: "Khi các bạn nhìn về hướng Đông, hãy chọn Việt Nam, quốc gia có 95 triệu dân, đang phát triển năng động, một thành viên tích cực của cộng đồng ASEAN với quy mô GDP gần 3.000 tỷ USD".

"Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác để cùng thành công và cùng phát triển lớn mạnh, điều đó sẽ càng tuyệt vời hơn khi Hiệp định EVFTA và EVIPA sớm được ký kết và phê chuẩn với sự giúp đỡ, ủng hộ của các bạn", Thủ tướng chia sẻ.

Nguyên Thủ tướng Italia Enrico Letta (kiêm Chủ tịch Hiệp hội Italia – ASEAN), đánh giá ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và là một khu vực kinh tế, địa chính trị rất quan trọng với Chính phủ Italia nói chung và cộng đồng DN Italia nói riêng. Italia luôn coi trọng mối quan hệ đa phương Italia – ASEAN, trong đó Việt Nam là cửa ngõ chiến lược của các DN Italia tại khu vực Đông Nam Á.

Điều đó đồng nghĩa với việc dự kiến sẽ có nhiều dự án xúc tiến thương mại cũng như tăng cường dòng vốn đầu tư của Italia vào Việt Nam trong thời gian tới để làm bàn đạp cho các DN Italia hiện diện mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường tiềm năng ASEAN này.

"Nền kinh tế Italia và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng và tôi tin chắc điều đó sẽ tạo thuận lợi hơn, dễ dàng và nhanh chóng hơn cho các DN Italia", ông Enrico Letta nhấn mạnh.

Quảng bá tới nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, cho biết Hà Nội có bề dày 1.000 năm lịch sử, là đầu não chính trị, văn hóa, kinh tế của Việt Nam. Hà Nội là thành phố vì hoà bình, đây là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm khi muốn kinh doanh.

Trong khi đó, ở góc độ nhà đầu tư, ông Lapo Pistelli, Phó Chủ tịch EVI (Italia), chia sẻ trước đây DN chủ yếu hoạt động kinh doanh ở châu Phi nhưng gần đây đã chuyển hướng đầu tư sang khu vực Trung Đông, Đông Á và Đông Nam Á. "Chúng tôi rất muốn có cơ hội được đầu tư tại thị trường Việt Nam, hợp tác với DN Việt Nam", ông nói.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Emanuele Stano, Tổng Giám đốc công ty TNHH Ariston Thermo Việt Nam, đánh giá thị trường Việt Nam ngày càng phát triển, tăng trưởng gấp hai lần so với thị trường Italia, nhất là nhu cầu về các thiết bị máy nước nóng; nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định và bền vững, cơ cấu dân số trẻ.

Vì sao tiềm năng còn bỏ ngỏ?

Hiện nhiều DN và tập đoàn lớn của Italia đã có mặt, hoạt động kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đây là những tín hiệu khả quan, tuy nhiên kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của hai nước.

Để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư thương mại giữa hai bên, Phó Thủ tướng cho rằng ngoài sự ủng hộ, quan tâm của Chính phủ hai nước rất cần có sự nỗ lực và phấn đấu của cộng đồng DN.

Từ thực tiễn làm việc, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư Italia nói riêng và châu Âu nói chung, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh là độ nhận biết về khu vực ASEAN cũng như Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư còn rất kém.

Ông cho biết: "Tôi hỏi tại sao không đầu tư vào ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhiều nhà đầu tư thẳng thắn cho biết thị trường của chúng ta quá nhỏ. Khi đi xúc tiến đầu tư, DN vẫn cứ nhìn vào thị trường Trung Quốc, Ấn Độ".

Do vậy, Tổng Giám đốc HSBC cho rằng phải tăng cường giới thiệu, quảng bá về tiềm năng của thị trường Việt Nam. "Mình ngồi đây có thể thấy rất tiềm năng. Nhưng nhà đầu tư ở bên kia – họ lại thấy thị trường của mình rất phức tạp, luật lệ lằng nhằng, chẳng biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Sự cải thiện về môi trường kinh doanh vẫn chưa đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương, nơi đi nhanh nhưng có nơi đi rất chậm".

Theo ông Hải, Diễn đàn lần này là khởi đầu tốt để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, nhưng cần đi sâu hơn. Cụ thể, DN nước ngoài muốn vào Việt Nam thường gặp phải vấn đề gì: chi phí nhân công lao động tăng nhanh (mỗi năm tăng 7-8%), luật lệ thay đổi liên tục, thủ tục hành chính công phức tạp… Đây là vấn đề phải cải thiện.

Đặc biệt, nói về sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Hải cho rằng để thu hút được chuỗi giá trị này, bản thân các DN cần phải thay đổi. Trung Quốc phải mất nhiều năm mới định hình là một công xưởng của thế giới. Việt Nam đi sau nên cũng cần phải có thời gian. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là làm sao để DN Việt Nam đủ khả năng tham gia chuỗi giá trị.

Theo ông Hải, muốn tham gia, bản thân mỗi DN phải thay đổi, chất lượng sản phẩm cần ổn định, máy móc công nghệ hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Một DN có thể không làm được thì cần phải liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh, tránh kiểu mạnh ai nấy làm.

Mặt khác, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định cộng đồng DN Việt Nam muốn hợp tác hơn nữa với Italia để thúc đẩy tự do thương mại, phát triển kinh tế số… Đặc biệt, thúc đẩy hơn nữa quá trình quốc tế hóa của DN nhỏ và vừa và DN siêu nhỏ, đưa DN vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phát triển của khu vực này sẽ định hình sinh kế của hàng trăm triệu người dân và tương lai của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng hy vọng, để thành công, hợp tác bền vững tại Việt Nam, các nhà đầu tư phải có cam kết dài hạn, tránh đầu tư theo kiểu "đánh nhanh thắng nhanh"

"Các nhà đầu tư cần lựa chọn đối tác địa phương để hợp tác. Đây là điều cực kỳ quan trọng, giúp cho hoạt động liên doanh, hợp tác của chúng ra có thể vượt qua những rào cản phức tạp của địa phương", ông Lộc cho biết.

>>>xem thêm  83% kế hoạch đầu tư công để giải quyết tồn tại của các nhiệm kỳ trước; Chiến lược đầu tư nào sẽ có xu hướng gia tăng trong năm 2019?<<<

Theo Lê Thúy