WB dự báo GDP của Việt Nam ở mức 6,6% năm 2019

Theo báo cáo "Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam" được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố chiều ngày 1/7, đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chậm lại từ đầu năm, nhưng triển vọng vẫn tích cực. Tăng trưởng cả năm vẫn được dự báo ở mức 6,6%.

>>>Xem thêm  THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG<<<

Tăng trưởng kinh tế vẫn sôi động mặc dù có chững lại

Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cho biết, báo cáo của WB được thực hiện trước khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2019 và nghiên cứu chủ yếu vào quý I/2019. Tuy nhiên, kết quả 6 tháng qua cũng rất sát với những dự báo của WB.

Trong bối cảnh phức tạp của nền kinh tế toàn cầu, đà tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại trong những tháng đầu năm 2019. Tốc độ tăng trưởng GDP theo giá so sánh tuy vẫn đạt ở mức đáng khích lệ 6,8% trong quý I/2019, nhưng đà tăng trưởng đã giảm lại đáng kể so với mức 7,5% trong quý I/2018 và 7,1% trong cả năm 2018.

Lý giải về tăng trưởng gần đây giảm tốc, ông Sebastian cho biết, do tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng nói chung có tăng nhẹ trong vài tháng qua, áp lực dự báo vẫn ở mức vừa phải do tăng trưởng tín dụng có phần chững lại. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì chính sách tiền tệ cẩn trọng để hỗ trợ mục tiêu kép, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung.

Theo ông Sebastian, tăng trưởng kinh tế và kỷ cương ngân sách được duy trì giúp cho tỷ lệ nợ công/GDP tiếp tục giảm. Tỷ lệ nợ/GDP theo ước tính của Bộ Tài chính giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 58,4% năm 2018 và vẫn tiếp tục giảm theo hướng giảm thấp hơn so với mức trần nợ luật định 65%.

Chính phủ đã tận dụng điều kiện thuận lợi trên thị trường trong nước, lòng tin của nhà đầu tư tăng lên và lợi suất trái phiếu giảm thấp để tiếp tục chuyển đổi sang các công cụ nợ có kỳ hạn dài hơn, đồng thời giảm lãi vay bình quân.

Trong kỳ báo cáo này, ngành dịch vụ đạt kết quả tốt - dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững. Bên cạnh đó, xuất khẩu tuy có xu hướng giảm tốc nhưng so với các nước thì đây vẫn là kết quả rất tốt.

Triển vọng tích cực

Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ, báo cáo của WB nhận định rằng triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực. Tăng trưởng GDP trong năm 2019 theo giá so sánh được dự báo sẽ giảm còn 6,6%, do sức cầu bên ngoài yếu đi và do chính sách tài khóa và tín dụng tiếp tục bị thắt chặt. Chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%.

Tuy nhiên, rủi ro tiếp tục gia tăng, do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên khi căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang và biến động tài chính nhiều hơn. Rủi ro bên ngoài còn trở nên phức tạp hơn khi kết hợp với những nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm chậm trễ trong quá trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng.

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến. Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua hiệp định khu vực và đa phương.

Đồng quan điểm này, ông Seabsitan cho rằng, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể điều chỉnh hợp lý chính sách kinh tế vĩ mô trong các trường hợp rủi ro tiếp tục gia tăng dẫn tới suy giảm các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế khôi phục mạnh mẽ trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn như: kiềm chế tăng trưởng tín dụng và củng cố tài khóa nhằm tạo dựng thêm các khoảng đệm chính sách cần thiết.

Tuy nhiên, với những dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm sút các hoạt động kinh tế, Việt Nam cũng nên cân nhắc về các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng, kể cả quan điểm chính sách tiền tệ hỗ trợ nhằm kích thích tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài ra, tiếp tục cải cách cơ cấu bao gồm đổi mới khuôn khổ quản lý, điều hành, cải cách doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng vẫn là hết sức quan trọng nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong ngắn hạn, cũng như cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn.

Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần tập trung ổn định nguồn thu và nâng cao hiệu suất chi tiêu để hỗ trợ bền vững tài khóa. Để xử lý tình trạng bất định và căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng tăng, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại qua các hiệp định song phương và khu vực, chẳng hạn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Hợp tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được thông qua.

Một số chỉ tiêu kinh tế được WB dự báo: tăng trưởng năm 2019 đạt 6,6%, trong trung hạn giảm ở mức 6,5% vào năm 2020 và 2021. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm cũng được dự báo ở mức 3,7% năm 2019 và tăng lên 3,8% vào năm 2020 và 2021. Cân đối ngân sách được dự báo ở mức -2,5% năm 2019 và ở mức -2,3% năm 2020 và -2,2% năm 2021.

Nợ công theo định nghĩa của IMF được WB dự báo ở mức 54,4% năm 2019 và ở mức 53,3% năm 2020 và 52,5% năm 2021. Nếu theo cách tính của Bộ Tài chính thì con số dự báo của WB là 58,3% năm 2019, 58% năm 2020 và 57,6% năm 2021.

Thảo Miên
THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI ĐÀ NẴNG

ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 41 Phan Triêm, Phường Hòa Xuân, Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3.707404
Mobile: 0915.888.404
Website: danangnet.vn

SÀI GÒN

Địa chỉ: Tầng 7, Tòa nhà HP, 60 Nguyễn Văn Thủ, Đakao, Quận 1
Điện thoại: 02822446739
Mobile: 0833.888.404
Website: hcm.com.vn

HÀ NỘI

Địa chỉ: Tòa nhà Anh Minh, 36 Hoàng Cầu, p. Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa
Điện thoại: 02422612929
Mobile: 0899.888.404
Website: www.hno.vn

 

GỌI NGAY

0915.888.404